TIN TỨC

Bí quyết sắp xếp lại không gian bếp gọn gàng và khoa học chỉ với 4 bước đơn giản

Ngày: 14/08/2021

Đây là thời điểm hoàn hảo cùng nhau dọn dẹp để tối ưu hóa không gian bếp, để căn bếp lộn xộn nhà bạn trở thành thật tiện dụng, đẹp mắt mà chắc chắn bạn sẽ vô cùng thích thú. Chỉ với vài mẹo nhỏ là bạn đã có thể sắp xếp lại gian bếp trông thật khoa học và gọn gàng. 
Sau đây là các bước cơ bản để có một gian bếp tuyệt vời.

Bước 1: THANH LỌC BẾP 
- Xem xét tất cả các vật dụng với 3 câu hỏi: 
• Nó có cần thiết không?
• Nó có còn hoạt động không?
• Bạn có thật sự thích dùng nó không?
Đây là bước thật sự khó khăn nhưng hãy cân nhắc với những mục tiêu lớn hơn, để có một không gian bếp thoáng đãng, đúng chức năng và thực sự mang lại giá trị cho người sử dụng. 
- Khi thực hiện bước thanh lọc bếp bạn sẽ có 3 hạng mục vật dụng: phần giữ lại, phần vứt bỏ và phần chia sẻ cho người cần.

Bước 2: LÀM SẠCH 
- Dọn dẹp sạch sẽ các tủ, kệ, ngăn kéo cũng như các vật dụng bạn lựa chọn để lại. Chắc chắn sau khi dọn dẹp xong bạn sẽ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và cảm giác tuyệt vời khi nhìn mọi thứ sáng bóng và sạch sẽ.

Bước 3: TỔ CHỨC, SẮP XẾP THEO KHU VỰC
- Trước khi bắt đầu sắp xếp, cần đánh giá toàn bộ nhà bếp và các nhóm tủ, ngăn kéo theo từng khu vực, để xác định rõ ràng đồ vật nào thuộc khu vực nào, để việc sử dụng tất cả các đồ vật được hữu dụng nhất và căn bếp bạn trong khoa học hơn. Thông thường sẽ được chia thành 6 zone cơ bản như sau:
• Zone 1: Đồ dùng hàng ngày(gần máy rửa bát nếu có thể) gồm bát, đĩa, đồ thủy tinh cơ bản, cốc, đồ dùng, dao kéo.
• Zone 2: Nấu ăn (đặt gần bếp hoặc lò nướng) gồm nồi, chảo, bát đĩa, thớt, thìa đũa nấu nướng và các gia vị,…
• Zone 3: Tủ đựng thức ăn mì, bánh kẹo,… hoặc các gia vị để bổ sung; và các đồ dùng nhà bếp có kích thước lớn hơn (như xoong lớn, chảo lớn, máy móc khác,…)
• Zone 4: Phụ kiện và bảo quản (gần tủ lạnh nếu có thể) gồm hộp đựng thực phẩm, bọc thực phẩm, túi zip, giấy bạc nướng,…
• Zone 5: Dưới bồn rửa gồm dụng cụ vệ sinh, xà phòng rửa chén, rửa tay bổ sung, túi đựng rác, đồ tái chế,…
• Zone 6: Quầy bar & cafe (nếu có) gồm các vật dụng pha café, ly café, ly rượu, …
- Sau khi xác định các khu vực, bắt đầu sắp xếp và định vị chính xác vị trí từng vật dụng. Hãy đặt các vật dụng thường xuyên sử dụng ở ngang tầm mắt, dễ lấy và những vật ít hơn ở xa hơn hoặc cao hơn.
- Nên đựng các loại như gạo, ngũ cốc, mì ống, trà, gia vị bổ sung trong các hộp trong suốt và gắn nhãn cho từng hộp và sắp xếp vào khu vực đã định trước.

Bước 4: SÁNG TẠO CHO GIAN BẾP
- Trong quá trình sắp xếp có thể sáng tạo thêm để gian bếp trông gọn gàng và tiện dụng hơn:
• Lắp thêm giá treo xoong nồi để giải phóng không gian tủ.
• Gắn thêm kệ để các hủ gia vị, gắn nhãn cho từng loại và xếp theo thứ tự chữ cái hoặc mức độ thường xuyên sử dụng.
• Sử dụng các hộp chia không gian cho tủ đựng các vật dụng như muỗng, nĩa, đũa,… Hoặc vách chia đứng cho những thứ như thớt, vỉ nướng, chảo, khay, thau,…

 

Ảnh: sưu tầm